Trang tra cứu Điểm thi và Số báo danh các kỳ thi Olympic quốc tế
Trang chủ » “Cười ra nước mắt” chuyện trẻ mầm non học trực tuyến

“Cười ra nước mắt” chuyện trẻ mầm non học trực tuyến

admin 3644

Phụ huynh trở thành những “bảo mẫu” bất đắc dĩ

Anh Hoàng Đức Thuận ở Cầu Giấy, Hà Nội hiện có con gái 3 tuổi đang theo học ở trường mầm non tư thục gần nhà. Trước Tết Nguyên đán, vì dịch bệnh bùng phát bất ngờ nên lớp mầm non của con gái buộc phải đóng cửa sớm, hai vợ chồng đã phải tất tả thay phiên nhau nghỉ làm để ở nhà trông con.

Sau tết, những tưởng tình hình dịch bệnh đã yên, hai vợ chồng chuẩn bị gửi con để đi làm lại, thì nhận được thông báo của nhà trường rằng lớp học của con sẽ phải nghỉ học thêm hai tuần nữa so với dự kiến. Không những thế, lần này cô giáo còn gọi điện thông báo rằng con gái của anh chị sẽ học trực tuyến để theo kịp chương trình dạy học đã đề ra.

Anh Thuận cho biết: “Chưa kịp tính toán được việc làm sao để có thể cân đối công việc của hai vợ chồng và luôn có người ở nhà trông con, giờ lại thêm chuyện học trực tuyến của con. Hai bên nội ngoại thì đều ở tỉnh lẻ, sợ nguy cơ lây lan dịch bệnh nên muốn nhờ người lớn lên trông nom cũng không được mà gửi con về quê cũng không xong. Không những thế, đầu năm áp lực công việc bộn bề, lại thêm chuyện học của con cái. Vì chuyện này mà mấy ngày nay hai vợ chồng tôi cứ quay như chong chóng”.

Bài tập dành cho các bé mầm non học trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Ngoài việc các phụ huynh phải căng não để sắp xếp thời gian làm việc và chăm con, thì chị Huỳnh Thị Ánh Nhi ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội lại cảm thấy bản thân như đang trở thành một “cô giáo bất đắc dĩ” khi đối diện với bài tập mà cô giáo giao về cho cậu con trai 4 tuổi của mình.

Chị Ánh Nhi chia sẻ: “Bài tập cho bé thì cũng chỉ đơn giản là mấy thao tác nhà trường có tổ chức quay các clip với đề tài phù hợp cho các bé thực hiện tại nhà. Đó có thể là một số động tác múa đơn giản, hay tập hát từng đoạn ngắn trong các bài hát của trẻ con.

Hoặc là hướng dẫn trẻ rửa tay, thậm chí là hướng dẫn các thao tác hướng dẫn trẻ phụ giúp bố mẹ quét nhà, lau nhà v.v…

Sau khi ngồi xem các hướng dẫn các thao tác đó với giáo viên, chúng tôi được yêu cầu có thể chụp hình hoặc quay video ngắn quá trình các bé thao tác để gửi lại cho các giáo viên. Mình lại không có kinh nghiệm, mấy động tác uốn éo để hướng dẫn cho con múa thì không sao làm nổi ”.

Theo chị Nhi, với các bài học của trẻ mầm non thì không có gì phải dùng trí não để suy nghĩ, tính toán. Tuy nhiên, làm sao cho trẻ tập trung vào màn hình để nghe cô giáo phụ họa là điều vô cùng nan giải.

Ở độ tuổi mầm non, trẻ chỉ có thể được phát huy hết tố chất nếu được học trực tiếp với giáo viên ở trường, vì dù sao tại đó các con cũng có nhiều bài học hơn.

Muôn kiểu bi hài chuyện trẻ mầm non học trực tuyến

Với đặc thù là độ tuổi còn non nớt, độ ham chơi và tính hiếu động nên hầu như không trẻ mầm non nào có thể dễ dàng chấp nhận ngồi cả tiếng đồng hồ để chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, hướng theo những gì cô giáo truyền thụ.

Chính vì việc này mà đã có muôn vàn câu chuyện bi hài xảy ra khi cho trẻ mầm non tham gia học trực tuyến.

Không những thế, việc các giáo viên hầu hết được đào tạo qua trường lớp sẽ có kinh nghiệm kèm cặp và xử lý các tình huống xảy ra với trẻ.

Bản thân các ông bố bà mẹ, dù có thương con và muốn kết quả học tập của con được tốt nhưng cũng không thể nào làm tốt vai trò giáo dục theo ý muốn của mình được kể cả ngồi với trẻ suốt buổi trước màn hình điện thoại.

Về các tình huống “khó đỡ” khi cho trẻ mầm non học trực tuyến, anh Hoàng Đức Thuận chia sẻ: “Thông thường để học được trực tuyến, các bậc phụ huynh phải kết nối với cô giáo và các học sinh khác trong một phòng học trực tuyến chung. Có lần do lớp học quá đông, các bé lại còn quá nhỏ để hiểu rằng chúng đang học trực tuyến nên thường mất tập trung, cô giáo cũng không thể sâu sát được với từng bé.

Có lúc việc kết nối vào các phòng học trực tuyến cũng khiến chúng tôi đau đầu. Thời gian học trực tuyến của các con vốn đã ngắn, kết nối thì lại chập chờn. Trung bình mỗi buổi học khoảng 45 phút mà cứ kết nối vào lại bị đẩy ra, quanh quẩn mất nửa thời gian.

Có hôm thì bố mẹ cố gắng mãi mới chen được vào phòng học, con bé nghịch ngợm bấm vào nút “rời phòng” vậy là coi như mất đi buổi học hôm đó. Mình cười mà ra nước mắt với con.

Chưa kể đến chuyện, nhiều phụ huynh ngồi cạnh con mà không chú ý, mic đang bật mà cứ mắng con hoặc cãi, chửi nhau với người nhà v.v…

Tất cả mọi âm thanh đều lọt vào phòng học khiến cho buổi học càng lộn xộn. Không chỉ vậy, nhiều bố mẹ quần áo xộc xệch cứ đi qua đi lại trước camera nhìn rất kỳ cục.

Hơn nữa, việc trẻ không chịu tập trung vào buổi học cũng gây ra không ít phiền toái. Có những lúc bé nhà mình học trực tuyến với thời lượng chỉ đủ để con không quên mặt cô giáo.

Gọi là học nhưng cứ được khoảng 5 phút là con bé lại bỏ ra chạy khắp nhà rồi. Chưa kể, có lúc đang học, mình bỏ ra ngoài đi vệ sinh một lát, cháu đã ngồi bấm chuyển sang xem mấy clip hoạt hình trên mạng”.

Theo Giáo Dục