Trang tra cứu Điểm thi và Số báo danh các kỳ thi Olympic quốc tế
Trang chủ » “Mục tiêu kép” của ngành giáo dục thời Covid

“Mục tiêu kép” của ngành giáo dục thời Covid

admin 3269

Với ngành giáo dục, “mục tiêu kép” là vừa phải sớm đưa học sinh trở lại trường vừa phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Đến thời điểm này, các địa phương vùng dịch đã có đề xuất cho học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, để việc dạy và học không bị gián đoạn “trong điều kiện bình thường mới”, ngành giáo dục và các địa phương còn rất nhiều việc phải làm.

Theo thông tin trên Báo Dân trí, Sở GD&ĐT Hà Nội ngày 24/2 đã đề xuất UBND Thành phố về thời gian học tập trung trở lại trường từ ngày 2/3. Tại TP Hồ Chí Minh, học sinh sẽ chính thức trở lại trường từ ngày 1/3 tới.

Tại tâm dịch Hải Dương, việc sớm cho học sinh trở lại trường cũng đang được cân nhắc trên cơ sở diễn biến của dịch bệnh ở từng huyện, thị xã, thành phố. Nhiều khả năng, vào ngày 1/3 tới, một bộ phận học sinh của tỉnh này có thể đến trường học tập trung.

Thông tin học sinh sắp được trở lại trường khiến hàng triệu phụ huynh có thể “thở phào nhẹ nhõm”, bởi việc lùi thời gian trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến sinh hoạt và công việc bị đảo lộn. 

Việc học gián đoạn do dịch Covid-19 khiến kế hoạch năm học của ngành giáo dục bị ảnh hưởng, kéo theo việc phải điều chỉnh thời gian tổ chức các kỳ thi và hoạt động tuyển sinh trong cả nước.

Trong thời gian dạy và học trực tuyến, với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, cũng như điều chỉnh nội dung chương trình, kiểm tra, đánh giá chất lượng của Bộ GD&ĐT nên dù có nhiều khó khăn nhưng kế hoạch chương trình năm học tương đối đảm bảo.

Việc dạy và học trực tuyến thực ra không phải là mới, song khi triển khai trên quy mô rộng đã nảy sinh nhiều bất cập. Việc trang bị máy móc phục vụ học tập với đại đa số người lao động trong thời điểm “thắt lưng buộc bụng” vì Covid-19 không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, việc dạy và học online đặt ra nhiều vấn đề trong việc tổ chức, quản lý lớp học, đặc biệt là đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Đây là đối tượng học sinh nhỏ tuổi, chưa có ý thức tập trung, dễ bị phân tâm. Do vậy, hầu như bố mẹ phải “kè kè” bên cạnh. Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng có thể bố trí thời gian để kèm cặp con trong giờ học online.

Người viết cũng có con đang học lớp 2 và cũng phải trải qua thời gian học online cùng con. Chưa kể việc học bị gián đoạn về đường truyền tín hiệu, tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng bị ảnh hưởng, nhiều cháu không được tham gia đóng góp xây dựng bài, dẫn tới hứng thú với việc học bị giảm sút, do đó hiệu quả dạy và học online cũng không thể cao. 

Được biết, Sở GD&ĐT TP Hải Phòng đã quyết định tạm dừng tổ chức dạy và học trực tuyến đối với học sinh khối 1 và khối 2 từ ngày 22/2. Đây là biện pháp tình thế bởi nếu dịch bệnh kéo dài, học sinh vẫn chưa thể quay trở lại học tập trung, việc gián đoạn dạy và học sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác.

Đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa ổn định mọi mặt đời sống trong bối cảnh hiện nay, một số địa phương đã triển khai phương án khoanh vùng dập dịch trong phạm vi hẹp với nguyên tắc “phong tỏa hẹp nhưng chặt”. Nên chăng ngành giáo dục cũng nghiên cứu, áp dụng phương án này trong dạy và học.

Chúng ta đã trải qua 3 đợt dịch Covid-19, đã đến lúc ngành giáo dục phải xác định cho mình một phương án tối ưu nhất để đảm bảo hoàn thành chương trình.

Với ngành giáo dục, “mục tiêu kép” là vừa phải sớm đưa học sinh trở lại trường vừa phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Theo Dân Trí